VỀ TÔN GIÁO (phần 1)

HỒI GIÁO

Tuần rồi, khi đang làm việc trong văn phòng, mình ngó xuống đường và thấy có vài chiếc taxi đang đậu chờ khách bên ngoài Trạm xe lửa. Một chú tài xế bước ra, trải tấm thảm nhỏ trên thảm cỏ, rồi quỳ xuống, cúi gập người, đứng lên, quỳ xuống, thinh lặng… người người đi qua, đi lại, ngã tư đông đúc…Thật đẹp và an sâu…
 
Bạn bè, đồng nghiệp của mình theo đạo Hồi giáo cũng cầu nguyện nhiều lần trong ngày như thế, và phải đúng giờ nữa.
 
 

PHẬT GIÁO

Khi bạn Apsara của mình qua đời, Trường và bạn bè tổ chức buổi cầu nguyện cho bạn ở một Ngôi chùa Phật giáo ở Upper Hutt, gần chỗ mình ở khi đó.
 
Mọi người tôn trọng ngồi ngay ngắn, theo dõi các nhà sư thực hiện các nghi thức. Sau cùng, vị sư chính, lớn tuổi nhất, ngồi ở giữa chánh điện, “giảng” và chia sẻ với tất cả mọi người. Từ gương mặt, ánh mắt, tư thế ngồi, giọng nói, lời nói… đều toát ra sự an yên, sâu sắc, nhân từ, và thông thái. Vị sư là người Châu Á, giảng tiếng Anh.
 
Sau buổi cầu nguyện, mọi người ra sân ăn trưa, như trong hình dưới đây. Một mình mình không ăn, ngồi ở mép cửa chánh điện, ngó ra sân, cũng vừa thấy các sư đang dùng bữa thinh lặng bên trong. Có một bà hoặc bác lớn tuổi người Châu Á đến ngồi với mình, hỏi sao mình không ăn…
 
Bác lấy điện thoại ra, cho mình xem vài bức hình gia đình bác, nhà đẹp, chồng, con trai, ai cũng đẹp và thành đạt. Bác hỏi mình: có thấy có ai quen không? nhìn người đàn ông này quen không? Mình nhìn kỹ lần nữa, lần nữa, và quá đỗi ngạc nhiên!!! Người đàn ông đó, chồng của bác đó, chính là vị sư thông thái kia!
 
Bác nói bác thường đến đây, dâng hương dâng hoa, mang đồ ăn, cầu nguyện, và thầm ủng hộ chồng cũ của mình! Ui chời ơi! Những lời nói “trưởng thành và nhẹ nhàng” đó, mình cảm nhận được, là hoa trái của cả quá trình đau đớn, đấu tranh, tha thứ, và yêu thương vô điều kiện…
 
Cuộc nói chuyện đi sâu, sâu hơn một xíu, và đúng như mình cảm nhận. Bác nói, hai người đồng hành với nhau, con cái trưởng thành… rồi một ngày, bác trai nói muốn bỏ lại tất cả để đi tu!
Mình hiểu được phần nào nỗi đau của bác gái và gia đình.
 
Nhưng chắc mình hiểu hơn tâm trạng của bác trai, tâm trạng của một người nhận ra thật rõ ràng, rằng trần đời này không còn thú vị, không còn hấp dẫn, ngoài việc trở thành con số 0, buông bỏ, và dấn thân cho lý tưởng khác, mà có khi người thân cũng không hiểu được.
 
Mình nhìn bác gái, nhìn nhà sư… quả thật, đúng là một ngày “to bự” xảy ra với mình: Apsara, hai bác, đau đớn, đấu tranh, buông bỏ, kết thúc, lắng nghe con tim, can đảm sống vì lý tưởng, can đảm tha thứ, và yêu thương vô điều kiện…
 
Ngôi chùa đó, trước đó, và sau đó, mình hay đến thăm. Lần nào đến, lòng cũng thanh thản và con tim sáng suốt hơn. Phía sau ngôi chùa là khu rừng đẹp có đường đi bộ.

CÔNG GIÁO

Cách đây vài hôm, mình may mắn tham dự một bữa tối quan trọng. Ở đó, mình gặp nhiều người giữ chức những vụ cao, và cả những bạn trẻ giỏi giang, năng động. Mình bỗng “ăn ý” với nhóm kia và chụp hình selfie với nhau. Trong đó có Ấn Độ, Anh, Niu-dân gốc Trung Quốc, và mình Việt Nam. Mình chia sẻ vài tấm hình để mọi người hình dung mức độ “formal” (trịnh trọng) của sự kiện này.
 
Để mà, mọi người cũng hình dung được, trước khi ăn, mình làm dấu thánh giá… và ai cũng nhìn mình. Họ đang nghĩ gì?
 
Ở đất nước thanh bình hiền hòa này, mọi người tôn trọng sự khác biệt về văn hóa, màu da, và cả tôn giáo. Đúng và cũng chưa chắc hoàn toàn.
 
Mình từng bị từ chối không cho thuê nhà, khi các bạn trong nhà 100% da trắng, đang nói chuyện với mình vui vẻ, thì thay đổi hẳn thái độ rõ ràng luôn. Các bạn hỏi mình làm gì cuối tuần, và mình trả lời là đi nhà thờ Công giáo dưới phố! Các bạn: “oh wait, sorry, what church did you say?” Xong nhìn lẫn nhau!
 
Mình từng được một giáo sư nói nửa đùa nửa thật là, sao mình chọn critical thinking (tư duy phản biện) để nghiên cứu trong khi mình là Công giáo mà! Công giáo như mình luôn tuân thủ luật lệ, tuyệt đối vâng theo Giáo hoàng và các Cha mà!
 
Mình cũng bị bạn bè từ chối hợp tác trong các hoạt động thiện nguyện vì các bạn lo rằng, mình và nhóm mình có liên hệ mật thiết với Công giáo và có thể đang âm thầm truyền giáo, ảnh hưởng các em nhỏ… Mình hoàn toàn hiểu được góc nhìn của các bạn, và tuyệt đối tôn trọng.

TÔN GIÁO

Mình từng cảm giác “lạ, sợ” khi đến chùa, ngửi mùi hương khói, nhất là lúc còn nhỏ! Mình cũng e dè khi thấy người khác quấn khăn, trải chiếu, cầu nguyện râm ran ngôn ngữ “kỳ lạ”…

Nên, giờ mình hiểu rõ, người khác cũng thấy “ơn ớn” khi nhóm người theo đạo Chúa tập trung đông, đọc kinh to, khóc lóc xúc động, cố bằng nhiều cách thuyết phục người khác đi theo đạo của họ…

Tại sao sợ? Tại vì không quen! Tại sao chưa quen? Tại vì chưa tìm hiểu? Tại sao chưa tìm hiểu? Tại vì coi là “không chính đạo”, “không tốt bằng đạo của mình”, “đạo mình là duy nhất đúng hoặc đúng đắn nhất”? Mình làm bộ tự hỏi, tự trả lời vu vơ như vậy thôi…
 
(…hồi sau bàn tiếp…)

Share this: