Bí Mật Của Hạnh Phúc Là Đau Khổ

📍 West Coast, New Zealand
📷 Y Bi

BÍ MẬT CỦA PHI THƯỜNG LÀ MỘT CUỘC ĐỜI BÌNH THƯỜNG
BÍ MẬT CỦA HẠNH PHÚC LÀ MỘT CHUYẾN TÀU ĐAU KHỔ

Thế giới chúng ta đang sống, đã từng đề cao thành công, tôn sùng quyền lực, theo đuổi sắc đẹp, ước ao nổi tiếng. Thế giới chúng ta đang sống bây giờ, mong ước tâm an, tu tập thiền định, siêng nghe podcast, chăm tập yoga, năng tìm đọc sách, hướng đến tự do tài chính, hướng về bên trong, xây dựng bản lĩnh độc lập, để tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến, để mưu cầu hạnh phúc và xa lánh khổ đau, và đâu đó trong tim và trong đầu… vẫn mong cầu được thành công, quyền lực, sắc đẹp, và được biết đến.

Những giá trị này vừa là động lực, vừa là áp lực, vừa là thước đo mà chúng ta dùng để đánh giá người khác, vừa là thước đo để chúng ta tự kiêu hoặc tự ti về chính mình.

Easter-Phục Sinh của người Kitô giáo lại ca tụng và tôn thờ một vị vua “hụt”, một người thất bại hoàn toàn trong định nghĩa của trần gian, dù là định nghĩa cũ, hay định nghĩa mới sau Covid. 33 năm “sống bình thường” và “chết tầm thường”.


Easter – Mùa Phục Sinh, là kỳ nghỉ dài đáng mong chờ của nhiều nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc… và cũng là mùa quan trọng bậc nhất của những ai tin Chúa.

Easter nói về một người tên là Giêsu, sinh ra trong một hang đá vốn dành cho chiên lừa đến trú ngụ, lớn lên trong một gia đình nghèo khó, có bố làm nghề thợ mộc. 30 năm sống một cuộc đời bình thường, chẳng ai biết đến.

3 năm tiếp theo, Giêsu bắt đầu nói về Thiên Chúa, kể về những dụ ngôn mang ý nghĩa hướng thiện và hướng tới đời sống tâm linh trưởng thành, cứu giúp người tàn tật, yêu thương người thấp kém, quan tâm người tội lỗi, kết bạn với nhiều anh em môn đệ, và thực hiện nhiều điều lạ.

Tất cả những điều này khiến người ta cho rằng, Giêsu đến để trở thành một người phi thường, một vị vua mới của dân Do Thái, giúp người Do Thái thoát khỏi sự thống trị của đế quốc Rôma, xây dựng một vương quốc mới an lành, hạnh phúc. Ngay cả các môn đệ thân thiết nhất cũng mong chờ điều này xảy ra.

Nhưng ngược lại, trong 3 năm đó, Giêsu ăn mặc đơn sơ, ăn uống với những người tầm thường, và “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người [Giêsu] không có chỗ tựa đầu.” (Mt 8:20)
Giêsu bị khinh miệt vì xuất thân thấp kém, bị chê cười vì giao du với phường gái điếm, với những tên thu thuế, với những người tầm thường trong xã hội.
Giêsu bị ganh ghét, bị xem là mối đe dọa cho tôn giáo và chính phủ vì được nhiều người tin theo, bị xét đoán là kiêu căng dám tự xưng là con Thiên Chúa.
Giêsu bị ném đá, bị bắt, bị xé áo để làm nhục, bị đánh đập, bị vác thập giá nặng lên đồi cao, bị đóng đanh- là hình phạt nặng nhất thời bấy giờ… và nhất là, khi cả thế giới dường như quay mặt lại với Giêsu, thì Giêsu còn bị phản bội và chối từ bởi chính những người anh em yêu dấu.
Giêsu chết trong nhục nhã và đau đớn, dưới chân là người Mẹ đau khổ đưa tiễn người con.

Những hào quang không còn nữa. Những sự nổi tiếng nhường lại cho tai tiếng. Những mong ngóng về một tương lai vĩ đại, một thế giới mới tươi đẹp mà ở đó chỉ toàn là những người tốt lành, chỉ toàn là những điều hạnh phúc, chỉ toàn là những chiến thắng vẻ vang… đã sụp đổ hoàn toàn khi Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

Easter của người Kitô giáo lại ca tụng và tôn thờ một vị vua “hụt”, một người thất bại hoàn toàn trong định nghĩa của trần gian. 33 năm “sống bình thường” và “chết tầm thường”.   

Easter của người Kitô giáo mang lại một định nghĩa khác biệt về một cuộc đời đáng sống, một cuộc đời theo gương Chúa Giêsu của họ.

Đó là một cuộc đời “bình thường”, không mong cầu trở nên xuất chúng và phi thường. Là chấp nhận xuất thân của mình, chấp nhận hiện tại của mình. Là không bất chấp mọi thứ để thành đạt, không tìm mọi cách để được hơn người, không ám ảnh việc phải là nhất, phải khác biệt, phải được ca tụng, vinh danh, hay tôn trọng. Là không mất ăn, mất ngủ, giằng xé khi thấy bản thân mình không bằng ai, không đau đớn tự ti khi thấy người đồng trang lứa đạt được nhiều thành tựu, có được nhiều may mắn.

Đó là một cuộc đời dám nói điều mình tin, làm điều mình muốn, trung thực lắng nghe và can đảm sống theo tiếng trái tim và lương tâm.

Đó là một cuộc đời không vun vén lắp đầy cho riêng bản thân, chỉ biết đi vào bên trong xây dựng ra một cái tôi đủ đầy, đủ lớn, đủ an toàn. Nhưng, đó là cuộc đời đi vào bên trong để xây dựng nội lực – như khi Giêsu đi vào sa mạc ăn chay cầu nguyện, để mà đi ra bên ngoài, can đảm yêu, can đảm thương, can đảm hy sinh cho người khác, và xây dựng những tình bạn chân thật – như khi Giêsu đi khắp nơi, rao giảng, gặp gỡ, và giúp đỡ mọi người.
 

Đó là một đời sống giản dị, không mưu cầu sở hữu thật nhiều vật chất, hay sở hữu-thao túng một ai đó để phục vụ cho nhu cầu được yêu thương của bản thân.

Đó là một cuộc đời can đảm đón nhận và đối mặt với những “đau khổ”, “thử thách” và cả “thất bại”. Những điều này được đặt trong ngoặc kép, vì chúng không còn mang ý nghĩa tiêu cực hay yếu thế, dưới góc nhìn của Phục Sinh, của Giêsu. Mà, chúng là những điều mà Giêsu đã sống và muốn những ai đang đi tìm hạnh phúc thật, dám “gánh vác”, tức là, dám đón nhận và trải nghiệm chúng.

Đây chính là BÍ MẬT, là KHO BÁU, là CHÌA KHÓA cho những ai đang không thấy hạnh phúc với những giá trị và mục tiêu vật chất. Đây chính là CÂU TRẢ LỜI cho những ai đang tự hỏi: “Đâu là hạnh phúc thật? Làm sao để có hạnh phúc thật? Làm sao để không còn đau khổ tuyệt vọng?”

ĐỂ KHÔNG CÒN ĐAU KHỔ, THÌ, CẦN DÁM ĐAU KHỔ.

Nghe thật là nghịch lý. Nhưng, bí mật của hạnh phúc nằm trong nghịch lý này. Và không ít những tư tưởng lớn đã giúp chúng ta hiểu về nó cách sâu sắc hơn:

+ “Nói với trái tim mình rằng nỗi sợ đau đớn còn tồi tệ hơn chính đau đớn. Và rằng không trái tim nào phải khổ ải tìm kiếm những giấc mơ, vì mỗi một giây tìm kiếm là cuộc gặp gỡ Thượng đế cùng sự vĩnh cửu”. (Paulo Coelho, “Nhà Giả Kim”)
+ “Cây thánh giá lớn nhất trong đời chúng ta chính là “sợ” vác thánh giá!… Vậy tại sao chúng ta không yêu quý những đau khổ và lợi dụng chúng để đưa chúng ta về Thiên Đàng? Nhưng thật sự hầu hết mọi người đều quay lưng và chạy trốn đau khổ. Họ càng trốn chạy bao nhiêu thì đau khổ càng đeo đuổi tấn công và đè bẹp họ với những gánh nặng bấy nhiêu.” (Thánh Gioan Maria Vianney)
+ “Nơi nào không có bùn thì không có sen. Cũng như thế khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn. Sen và bùn cũng như trái và phải, hễ cái trái có là cái phải có cùng một lượt. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc”. (Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Bí mật này dành cho những ai đã “chán” các trò chơi quyền lực, sắc đẹp, tiền tài, hay cái tôi tách biệt và trên cao so với thế giới. Còn nếu chúng ta vẫn còn thấy những trò chơi này thú vị, thì chúng ta vẫn chơi thôi. Chỉ cần khi vấp ngã, đừng tuyệt vọng, mà hãy quay lại, bí mật hạnh phúc nằm trong nghịch lý này, chờ ta khám phá.

Live Like Trees