Facebook ở Việt Nam.

Nếu Instagram được sử dụng phổ biến hơn ở Niu Di-lân, thì tại Việt Nam, “Facebook is king”! Facebook là vua mạng xã hội! (xem hình bên) 

Đó là một trong những báo cáo của Haike Manning* trong cuốn “Vietnam & New Zealand: let’s go” (2020)**. 

Ở Việt Nam, chúng ta sử dụng Facebook với những mục đích khác nhau: kết nối với người khác, chia sẻ cuộc sống của mình, chia sẻ thông tin, nêu lên quan điểm, quảng cáo và bán sản phẩm, xây dựng hình ảnh cá nhân hay tổ chức, giảng dạy, tư vấn, theo dõi tin tức, hay có khi chỉ “nằm vùng” quan sát mọi diễn biến… 

Câu hỏi mà mình muốn chia sẻ hôm nay không phải là: “Có nên dùng Facebook không?”, bởi vì Facebook là King rồi! Nhưng là câu hỏi : “Cách ta sử dụng Facebook, giúp ta hiểu gì về chính mình?” Bởi vì với mình, hiểu chính mình là trọng tâm của sự trưởng thành. 

(*Haike Manning là Đại sứ của đất nước Niu Di-lân xinh đẹp tại Việt Nam nhiệm kỳ 2012-2016. Vì yêu mến Việt Nam, Haike cùng gia đình tiếp tục sống và làm việc tại tp. Hồ Chí Minh cho đến nay, và con trai Haike còn có thể nói lưu loát tiếng Việt. Cuốn sách này có nhiều báo cáo về lịch sử và quan hệ giữa hai nước, cùng với nhiều số liệu rất thú vị về Việt Nam.)

FACEBOOK IS THE KING!

**Manning, H., & Asia New Zealand Foundation, issuing body. (2020). Viet Nam & New Zealand : let's go.

FACEBOOK GIÚP TA HIỂU VỀ CHÍNH MÌNH?

Chọn bạn mà chơi! Tell me who your friends are, and I will tell you who you are!

Ông bà ta đã nói, chơi thì phải chọn bạn mà chơi. Thành ngữ Tây ban Nha cũng có câu: “Tell me who your friends are, and I will tell you who you are.” (Tạm dịch: Nói tôi biết bạn bè của bạn là ai, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là ai.)

Giả sử, nếu bạn cho ai đó đăng nhập vào tài khoản Facebook của mình, người đó sẽ biết được bạn kết bạn với ai, hay nhắn tin cho ai, về nội dung gì, hay theo dõi trang nào, hay xem các video nào, hay đọc các bài chủ đề nào, dùng bao nhiêu thời gian cho Facebook… Tóm lại, người đó sẽ thấy rõ hết “bầu khí quyển” mà bạn đang hít thở hàng ngày. Mà “bầu khi quyển” này, lại là cho chính bạn hoàn toàn chủ động tạo nên.

Nếu như người đó thấy hết rõ như vậy – giả định có sự đồng ý của bạn, thì bạn có cảm thấy “xấu hổ” không (không phải chỉ là “mắc cở”)? Nếu có, vậy chắc đâu đó, ít hay nhiều, “bầu khí quyển” Facebook của bạn có khí độc. 

Bầu khí quyển phản ánh bên trong tôi!

Bầu khí quyển này là do bạn tạo nên. Những khí độc này là do chính bạn chọn lựa. Vì vậy, chúng có thể nói cho bạn biết về lượng khí bên trong tâm hồn, tâm trí, tư duy của bạn, và môi trường sống thực tế ngoài đời của bạn nữa. 

Phải chăng, bên trong mình còn nhiều nỗi buồn phiền, oán hận, giận dữ nên mình bị hấp dẫn bởi những thông tin tiêu cực, những “drama”, những bí mật đời tư, những giả thuyết và âm mưu, và cả bạo lực?

Phải chăng, mình nhìn ra được những tiêu cực nhưng lại bất lực trước những vấn đề chính trị, xã hội, giáo dục, cuộc đời… nên mình bị hấp dẫn bởi những nội dung chỉ trích, những ngôn từ nặng nề, và chính mình cũng đi chỉ trích “cho đã cái nư”, dù không biết hoặc không có thời gian để đưa ra được hướng giải quyết và góc nhìn đa chiều, góc nhìn cảm thông?

Phải chăng, bên trong mình có dục vọng ám ảnh quá lớn, nên mình bị hấp dẫn bởi các video và mẩu chuyện về tình dục? Hay bên trong mình lấp đầy sự trống rỗng, cơ đơn, mất niềm tin vào tình yêu?

Phải chăng mình đã bị chỉ trích, xét đoán, cười chê, tấn công nhiều quá, bị cho là yếu đuối, chạy theo người khác… nên mình sợ hãi đến nỗi, khi cần thiết phải bảo vệ ai, động viên ai, khen ngợi ai, hay lan tỏa những nội dung tích cực, mình cũng không dám?

Phải chăng, công việc hay việc học quá tải, quá chán, quá áp lực; quan hệ với gia đình hay người thương quá bế tắc; mà mình lại chưa thể giải quyết, chưa tìm ra điều gì khác để xoa dịu và cân bằng lại? Nên, bất cứ khi nào có thể, mình lao vào bầu khí quyển còn độc hại đó, và ở trong đó nhiều nhất có thể? Cái não khao khát được giải tỏa, giải trí, hòng quên đi những điều bế tắc kia? Đó là lúc mà ta gọi là “nghiện”?

Phải chăng, bên trong mình còn chất chứa sự tự ti về bản thân, nên mình so sánh mình với người khác và những gì họ trình bày trên trang Facebook của họ. Để rồi, mình cảm thấy một là ganh tỵ, hai là cười nhạo, ba là ức chế, bốn là mất ngủ, năm là nghĩ cách đánh bại… và bảy, tám, chín… Tất cả đều đang âm thầm, từng bước, dẫn dắt mình đến với “bất hạnh” và “trầm cảm”.

Như vậy bầu khí quyển mà mình tạo nên, thật sự, nói cho mình nhiều lắm về bản thân. 

Và, đó là điều tốt!

Cho nên có lẽ, không cần phải ép, phải cấm bản thân không được dùng Facebook, không được xem cái này hay cái kia.

Mà, sự trưởng thành bền vững, đòi hỏi chúng mình can đảm nhìn sâu vào bầu khí quyển Facebook của chính mình. Qua đó, nhìn ra những đau đớn, nỗi khổ tâm, nỗi bất an và sợ hãi, đã tích tụ và dằn vặt mình bao lâu nay, và có thể là, trong lương tai nữa.

XÂY DỰNG BẦU KHÍ QUYỂN FB

Xây dựng lại bầu khí quyển Facebook của tôi!

Nếu căn nguyên của việc dùng Facebook thiếu mục đích và chưa hiệu quả, là bởi những khí độc ngay bên trong mình, thì rõ ràng, đó là câu chuyện của phát triển bản thân. Để phát triển bản thân, bạn cần tìm hiểu về, ví dụ, sự giận dữ, lòng tự ti, lòng đố kỵ, cách kiểm soát dục vọng, cách yêu thương một người đúng cách, hay thiền định, tĩnh tâm, hay niềm tin vào Thiên Chúa, vào vũ trụ… Vậy để dung nạp được những hiểu biết này, ta cần xây dựng lại bầu khí quyển Facebook của mình. 

Ta hãy bỏ theo dõi những trang mà lương tâm ta biết là độc hại. Hãy tìm và theo dõi các trang bàn về những chủ đề để chữa lành hay nuôi dưỡng ta, những trang dạy kỹ năng sống, kỹ năng mềm, kỹ năng phát triển bản thân, và những trang có nội dung khiến ta được tạo động lực và tin yêu bản thân hơn (và tin yêu vào đấng tạo hóa hơn, nếu bạn có tín ngưỡng).

Như vậy, mỗi khi online, mở Facebook ra, là “new feed” của ta sẽ tràn ngập khí lành! Theo thuật toán của Facebook cũng như các nền tảng khác, khí lành này sẽ kéo theo khí lành khác, các khí lành tương tự sẽ được đề xuất để đến thăm bạn. Cứ như vậy, bầu khí quyển cứ thêm xanh mướt, và bạn sẽ thanh lọc bớt đi nhiều khí độc lúc nào không hay đấy.

Tất nhiên, thỉnh thoảng khí độc lạ vẫn sẽ xuất hiện, cách vô tình, hay do mình lướt trúng bài đăng hay bình luận của ai đó mà mình (vì tình bạn, vì xã giao,…) vẫn kết nối với họ trên Facebook. Vậy thì, cứ vẫn là bạn bè, nhưng hãy “unfollow” – bỏ theo dõi họ đi. Và khi khí lành quá nhiều đến áp đảo, thì bạn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn để biết cách đối mặt với vài khí độc. 

Tuy nhiên, trở lại ý ban đầu, nếu có luồng khí độc nào quá hấp dẫn, bạn khó dứt ra được, vậy thì, lại đến lúc cần lắng nghe và quan sát xem, nó đang nói lên điều gì về tâm hồn bạn vậy. Và bạn lại đi tìm khí lành có liên quan để chữa cho nó nha.

(Bài viết chưa thể phân tích hết các mục đích sử dụng FB khác nhau. Mục tiêu bài viết là để mình hiểu mình, không phải để  mình dò xét cách sử dụng FB của người khác.)

Y Bi
Live Like Trees | Con Chiên Lạc

Share this: